Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng “Cứ nói sách giáo khoa (SGK) sai nhưng không ai vạch ra sai ở chỗ nào . Thậm chí có những tranh luận chưa ngã ngũ ...".
Trong bài viết gửi tới TS, PGS.TS Nguyễn Xuân Chánh, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật, từng tham gia vào Hội đồng thẩm định SGK Vật lý, hiện làm việc tại Hội Vật lý Việt Nam đã đưa ra một số sai sót ở SGK Vật lý bậc THCS "với hy vọng, báo điện tử đến với bạn đọc nhanh hơn và những người có trách nhiệm thấy vấn đề nhanh hơn để có giải quyết kịp thời".
"Không chỉ SGK Vật lý lớp 7 mà mỗi quyển sách Vật lý bậc THCS đề có những chỗ sai về kiến thức cần phải đính chính..." |
Ông cho rằng: Không chỉ SGK Vật lý lớp 7 mà ở mỗi sách Vật lý bậc THCS (từ lớp 6 đến lớp 9) đều có những chỗ sai về kiến thức cần phải đính chính .
Điều đáng nói, tất cả các SGK có sai đề cập ở đây đều là sách đang dùng giảng dạy cho học sinh (HS) năm học 2005 - 2006. Đối với mỗi lớp 6,7,8,9 đều có ba quyển: sách Vật lý cho HS (SHS); sách bài tập Vật lý cho HS (SBT) và sách cho giáo viên (SGV).
Dưới đây là những ví dụ mà tác giả bài báo này đã "vạch" ra những chỗ sai... (do khuôn khổ bài báo có hạn, TS đã xin phép tác giả lược bớt một số ví dụ khác).
1 - SHS 9 trang 145: Con tắc kè hoa (còn gọi là con kỳ nhông, hình 55.2) khi leo cây nào sẽ có màu lá của cây ấy. Đó là do cấu tạo đặc biệt của da con kỳ nhông.
Giải thích ở SGV 9 trang 283. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cho con kỳ nhông có thể đổi màu khi vào trong những vùng cây có màu sắc khác nhau là da của nó có những vẩy nhỏ màu trắng tán xạ tốt tất cả các ánh sáng màu. Do đó, khi nào vùng cây có màu nào nó sẽ tán xạ màu đó.
Ý kiến của chúng tôi:HS hỏi: Lá cây có màu xanh là do dưới ánh sáng trắng của mặt trời lá cây chỉ phản xạ lại màu xanh. Con kỳ nhông đứng ở vùng có lá cây màu xanh cũng được chiếu sáng bởi ánh sáng trắng của mặt trời. Vậy tại sao kỳ nhông lại không có màu trắng? Có phải là ở SGK giải thích sai không? Không rõ các tác giả tham khảo cách giải thích kỳ nhông có các vảy màu trắng ở đâu còn HS xem chương trình Discovery thấy nhiều lần giải thích về đổi màu sắc của con kỳ nhông là do những sắc tố ở da con kỳ nhông. Thần kinh con kỳ nhông có thể điều khiển cho sắc tố nào hiện ra ngoài, sắc tố nào ẩn vào trong.
2 - Trang 154, SHS lớp 9, bài tập C1: Ở các lớp dưới ta đã làm quen với khái niệm năng lượng. Hãy chỉ ra trường hợp nào dưới đây vật có cơ năng (năng lượng cơ học).
+ Tảng đá nằm trên mặt đất
+ Tảng đá được nâng lên khỏi mặt đất
+ Chiếc thuyền chạy trên mặt nước
Trả lời ở SGV 9 trang 307: Tảng đá được nâng lên khỏi mặt đất (có khả năng thực hiện công cơ học).
Ý kiến chúng tôi: Chiếc thuyền chạy trên mặt nước có động năng hay không? Động năng có phải là năng lượng cơ học (cơ năng) hay không? Mưa lũ làm những tảng đá nằm trên mặt đất lăn xuống phá hoại nhà cửa đường sá có phải là do thế năng của hòn đá biến thành động năng không? Vậy hòn đá tuy nằm trên mặt đất chỗ này vẫn có thế năng (tức là cơ năng) đối với mặt đất ở thấp hơn.
Trả lời đúng là cả ba trường hợp đều có cơ năng.
3 - SHS lớp 8 trang 63: "Công suất cho ta biết điều gì? Em hiểu thế nào khi nói công suất của một chiếc quạt là 35W?
Giải đáp ở SGV 8 trang 102: Công suất cho biết khả năng thực hiện công của một người hoặc một máy trong cùng một đơn vị thời gian (trong 1 giây). P = A/t (P công suất, A công thực hiện, t thời gian thực hiện công đó). Công suất của chiếc quạt là 35W nghĩa là trong 1s quạt thực hiện một công bằng 35J.
Ý kiến chúng tôi: Đối với tuyệt đại đa số, nói đến chiếc quạt 35W là nghĩ đến chiếc quạt điện nhỏ 35W và ai cũng hiểu rằng 35W là công suất điện tiêu thụ. Nếu hiểu như vậy thì giải đáp ở sách là một loại quạt điện có hiệu suất 100%. Còn loại quạt nào 35W mà không phải là quạt điện thì có lẽ quá khó đối với mọi người, hơn nữa từ 35J trong một giây tính ra lượng gió là bao nhiêu chắc là khó đối với cả thầy.
4 Trang 93 của SHS lớp 8 nêu: Một trong những nhiên liệu có triển vọng thay thế cho dầu và khí đốt là hyđrô vì:
+ Hydrô có năng suất tỏa nhiệt cao hơn dầu và khí đốt (xem bảng 26.1)
+ Hydrô có thể điều chế bằng cách dùng năng lượng mặt trời để điện phân nước biển. Như vậy nguồn nguyên liệu để điều chế hydrô có thể coi như vô tận.
+ Hydrô lỏng có thể được chuyên chở dễ dàng bằng các bình chứa hoặc ống dẫn.
+ Hydrô khi bị đốt cháy không tỏa ra các khí độc như các nhiên liệu khác nên không làm ô nhiễm môi trường.
Ý kiến chúng tôi:Thử xét một lý do, thí dụ lý do 3: Căn cứ vào đâu mà nói là hydrô lỏng chuyên chở dễ dàng bằng các bình chứa hoặc ống dẫn. Thường người ta vẫn nói đây là vấn đề rất khó khăn về kỹ thuật và đặc biệt là rất nguy hiểm.
5SHS 7 trang 61 viết: "Nếu trong mạch điện với dây dẫn bằng đồng có nối xen một đoạn dây chì (gọi là cầu chì) thì trong một số trường hợp hợp do tác dụng nhiệt của dòng điện dây dẫn có thể nóng lên trên 3270C. Hỏi khi đó có hiện tượng gì xảy ra với đoạn dây chì và với mạch điện?"
Trả lời ở SGV 7 trang 138 "khi đó cầu chì nóng lên tới nhiệt độ nóng chảy và bị đứt. Mạch điện bị hở (bị ngắt mạch) tránh hư hại và tổn thất có thể xảy ra".
Nhiều ý kiến đặt câu hỏi: Lắp dây chì ở cầu chì theo cách nào mà nhiệt độ ở dây dẫn bằng đồng luôn bằng nhiệt độ ở cầu chì? Nếu dây đồng đã nóng đến 3270C có lẽ vỏ bọc nhựa của dây đồng đã nóng chảy hết, có ngắn mạch thì hư hại và tổn thất cũng đã xảy ra.
Tại sao ở SHS lớp 9, trang 46 lại viết: Tùy theo vật liệu và tiết diện dây dẫn mà các dây dẫn chỉ chịu được những dòng điện có cường độ nhất định. Quá mức đó theo định luật Jun-Lenx dây dẫn có thể nóng đỏ làm chảy vỏ bọc và gây hỏa hoạn. Sử dụng cầu chì mắc nối tiếp với mỗi dụng cụ điện, khi có sự cố cường độ dòng điện tăng lên quá mức cho phép thì dây chì sẽ nóng chảy và ngắt mạch tự động, tránh được tổn thất. Vì thế, dây chì và dây dẫn điện phải có tiết diện được tính toán phù hợp với cường độ dòng điện định mức.
Có phải là do chủ trương ở bậc THCS nội dung môn Vật lý được giảng dạy theo hai vòng. Thí dụ về cầu chì thì có một phần ở vòng một lớp 7 và một phần ở vòng hai lớp 9. Nên vòng một thì cứ việc nói sai còn vòng hai thì nâng cấp, nói đúng.
6 - Trong SHS lớp 6 trang 69, phần 2 Nhiệt Giai (a) viết: "Năm 1742 Xenxiut (Celcius, 1701 - 1744) người Thụy Điển đã đề nghị chia khoảng cách giữa nhiệt độ nước đá đang tan và nhiệt độ của hơi nước đang sôi thành 100 phần bằng nhau, mỗi phần ứng với 1 độ ký hiệu là 10C. Thang nhiệt độ này gọi là thang nhiệt độ Xenxiut hay nhiệt giai Xenxiut. Chữ C trong ký hiệu 0C là chữ cái đầu tiên của tên nhà vật lý. Trong nhiệt giai này những nhiệt độ thấp hơn 00C được gọi là nhiệt độ âm. Ví dụ - 200C được gọi là âm 200C".
Ý kiến của chúng tôi: Sách nói là chia thành 100 phần bằng nhau mỗi phần ứng với 1 độ nhưng tại sao không nói rõ Xenxiut đề nghị lấy nhiệt độ nước đá đang tan là 00C và nhiệt độ hơi nước sôi là 1000C. Ở nhiều sách đây là thông báo rất quan trọng cho HS còn ở sách đổi mới này có phải là các tác giả dành cho HS khả năng hiểu ngầm, sáng tạo?
Theo chúng tôi, thông báo cho HS về nhiệt giai Celcius như ở sách là thiếu.
Cũng theo cách trình bày này HS rất khó hiểu vì sao ông Farenheit rất tuỳ tiện lấy nhiệt độ nước đá đang tan là 320F còn nhiệt độ hơi nước sôi là 2120F.
Về SGK Vật lý 6 tôi đã trình bày ở bài báo đăng ở Tạp chí Vật lý ngày nay số tháng 8/2005 những sai sót về những số liệu sai gấp 1000 lần giá trị thực, những vận dụng sai kiến thức về giãn nở nhiệt để giải thích hiện tượng v.v... Ở SGK Vậ t lý 9 tôi cũng đã trình bày hai trang sách mà các tác giả thông báo kiến thức bổ sung cho giáo viên để giảng dạy về máy ảnh là sai đến 90%...
Nếu cần thiết, tôi có thể thông báo tiếp những sai sót trong bộ SGK Vật lý THCS này.
Vẫn biết rằng, viết SGK khó tránh khỏi sai sót. Nhưng vị trí quá quan trọng của SGK ở nước ta buộc những người có trách nhiệm không thể thờ ơ với những sai sót dẫu là nhỏ hay là lớn khi đã được phát hiện. Trái lại, phải có những quy định, những cơ chế để đông đảo mọi người đặc biệt là giáo viên, góp ý kiến làm sao cho SGK ngày một tốt hơn?
- PGS.TS Nguyễn Xuân Chánh